Thiền
Nội dung cùng chuyên mục
Cốt lõi của sự thực hành Tứ Niệm Xứ là rèn luyện Chánh niệm, rèn luyện kỹ năng CHÚ TÂM LIÊN TỤC CẢM GIÁC TOÀN THÂN. Vì vậy, có thể thực hành trong mọi tư thế: đi, đứng, nằm, ngồi…, trong tất cả mọi hoạt động của cuộc sống hàng ngày: ăn uống, vệ sinh, dọn dẹp… và trong khi làm việc.
Trong đó, thiền ngồi (toạ thiền) là sự thực hành quan trọng nhất. Việc tọa thiền sẽ giúp rèn luyện, hình thành trí nhớ chú tâm liên tục cảm giác toàn thân được nhanh và hoàn chỉnh, từ đó có thể phát triển thói quen chú tâm này ra toàn bộ sinh hoạt đời sống.
Bài viết này sẽ giới thiệu cách thức thực hành Tứ Niệm Xứ một cách cơ bản, trong nhiều tư thế như: tọa thiền, thiền đứng, thiền hành, thiền nằm, khi tu tập tự do và cách ứng dụng vào thực tế đời sống.
1. Niệm Thân (Quán Thân nơi Thân)
GIỚI THIỆU CHUNG
Trong kinh điển: Chánh Niệm về Thân có nội dung là ”Quán thân nơi thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời”, diễn dịch ra ngôn ngữ thuần tiếng Việt là: Chánh niệm về thân, hay quán thân nơi thân là ”Nhớ đến tích cực chú tâm quán sát cảm giác toàn thân”, hay là “Nhớ đến tích cực chú tâm ghi nhận cảm giác toàn thân”, hay “Nhớ đến tích cực chú tâm thấy cảm giác toàn thân”. (Các từ “quán sát”, “ghi nhận” hay “thấy” trong ngữ cảnh này là đồng nghĩa.)
Chữ “Thân” được lặp lại 2 lần trong “Quán Thân nơi Thân” nghĩa là khi thực hành thì người tu quán sát trực tiếp các cảm giác trên thân khi nó đang xảy ra, đang hiện hữu, đưa đến cái biết như thật về Thân.
Phân tích lộ trình tâm khi thực hành Niệm Thân:
Chánh Niệm về Thân làm phát sinh Chánh định và Tỉnh giác. Tỉnh giác ở đây là cái biết trực tiếp giác quan bao gồm nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và tưởng thức với sự có mặt của Chánh Niệm, Chánh Tinh Tấn, Chánh Định. Khi an trú Tỉnh giác thì sẽ kinh nghiệm được Khổ diệt: không có Vô minh, Tham Sân Si, không có phiền não.
Có thể thực hành Chánh niệm về Thân trong nhiều tư thế: thiền tọa, thiền đứng, thiền hành, thiền nằm, trong các sinh hoạt đời sống.
CÁC ĐỀ MỤC THỰC HÀNH & TUỆ TRI
Thực hành Niệm Thân là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Thân nơi Thân, để nhiếp phục tham ưu ở đời và kinh nghiệm được kết quả xảy ra, đồng thời TUỆ TRI các kết quả đó:
- Tuệ tri Chú tâm liên tục phát sinh Định.
- Tuệ tri 2 loại chú tâm: có tầm có tứ và không tầm không tứ.
- Tuệ tri các tầng Định: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.
- Tuệ tri tâm trạng Tích cực – Vui – Thoải mái (hỷ lạc) của Định.
- Tuệ tri cái Thấy thuần túy (Tỉnh giác), tính chất vô niệm, vô ngôn, vô phân biệt.
- Tuệ tri tính chất vô chủ, vô sở hữu, hay là vô ngã.
- Tuệ tri Khổ diệt (Niết Bàn), Tâm giải thoát, Không tánh giải thoát.
2. Niệm Thọ (Quán Thọ nơi Thọ)
GIỚI THIỆU CHUNG
Thực hành Niệm thọ, hay Quán Thọ nơi Thọ là rèn luyện trí nhớ Chánh về Thọ. Cụ thể là: Nhớ đến tích cực chú tâm quán cảm giác theo nhịp thở, nhịp đi, nhịp làm việc. Thực hành để quán sát cảm giác khi nó đang xảy ra trong giây phút hiện tại (nên gọi là quán thọ nơi thọ).
Thực hành Niệm Thọ tức rèn luyện hiểu biết đúng sự thật về đối tượng thực tại là cảm giác sẽ đưa đến an trú Tỉnh giác và Chánh kiến về Thọ, kinh nghiệm Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát.
Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khi thực hành Niệm Thọ:
Có thể thực hành Niệm thọ trong nhiều tư thế: thiền tọa, thiền đứng, thiền hành, thiền nằm và trong các sinh hoạt đời sống.
CÁC ĐỀ MỤC THỰC HÀNH & TUỆ TRI
Thực hành Niệm Thọ là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Thọ nơi Thọ, để nhiếp phục tham ưu ở đời và kinh nghiệm được kết quả xảy ra, đồng thời TUỆ TRI các kết quả đó.
Cụ thể:
- Tuệ tri thực tại là Cảm Thọ (Cảm giác) gồm: Cảm giác hình ảnh, Cảm giác âm thanh, Cảm giác mùi, Cảm giác vị, Cảm giác xúc chạm, Cảm giác pháp trần.
- Tuệ tri duyên khởi các loại cảm giác đó do Căn Trần nào tiếp xúc phát sinh.
- Tuệ tri Cảm giác vô thường.
- Tuệ Tri Cảm giác vô chủ, vô sở hữu.
- Tuệ tri Vô ngã khi niệm Thọ.
- Tuệ tri Khổ diệt, Niết bàn, Tuệ giải thoát (Vô tướng giải thoát).
HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH: Xem hướng dẫn chi tiết Thực hành Chánh Niệm về THỌ tại đây
3. Niệm Tâm (Quán Tâm nơi Tâm)
GIỚI THIỆU CHUNG
Thực hành Niệm Tâm hay quán tâm nơi tâm là rèn luyện trí nhớ Chánh về tâm, cụ thể là: Nhớ đến tích cực chú tâm quán sát tâm nơi tâm theo nhịp thở, nhịp đi hay nhịp làm việc.
Thực hành Niệm Tâm tức rèn luyện hiểu biết đúng sự thật về Tâm sẽ đưa đến an trú Tỉnh giác và Chánh kiến về Tâm, kinh nghiệm Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát.
Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khi thực hành Niệm Tâm:
Có thể thực hành Niệm Tâm trong nhiều tư thế: thiền tọa, thiền đứng, thiền hành, thiền nằm, trong sinh hoạt đời sống.
CÁC ĐỀ MỤC THỰC HÀNH & TUỆ TRI
Thực hành Niệm Tâm là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Tâm nơi Tâm, để nhiếp phục tham ưu ở đời và kinh nghiệm được kết quả xảy ra, đồng thời TUỆ TRI các kết quả đó. Cụ thể:
- Tuệ tri Tâm gồm Thọ – Tưởng – Hành – Thức.
- Tuệ tri nhóm Tưởng; Tuệ tri mỗi Tâm ghi nhận chỉ ghi nhận 1 loại Cảm giác; Tuệ tri Duyên khởi các loại Tâm ghi nhận; Tuệ tri Tâm ghi nhận Vô thường, Vô chủ vô sở hữu.
- Tuệ tri Tâm ý thức; Tuệ tri Duyên khởi Tâm ý thức do Niệm – Tư duy – [Ý thức – Tư tưởng] và 2 loại Ý thức: Tà Kiến và Chánh Kiến.
- Tuệ Tri Tâm biết Tâm chứ không phải Tâm biết Cảnh; Tuệ tri Tâm biết và Đối tượng được biết đồng sanh đồng diệt.
- Tuệ tri Vô ngã khi quán Tâm.
HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH NIỆM TÂM: Xem hướng dẫn chi tiết Thực hành Chánh Niệm về TÂM tại đây
4. Niệm Pháp (Quán Pháp nơi Pháp)
GIỚI THIỆU CHUNG
Thực hành Niệm Pháp, hay Quán Pháp nơi Pháp (gọi tắt là Quán Pháp) là rèn luyện trí nhớ Chánh về Pháp, cụ thể là Nhớ đến tích cực chú tâm quán Pháp nơi Pháp. Từ “Pháp” ở đây để chỉ cho Giáo Pháp, là những kiến thức mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng.
Thực hành Niệm Pháp đưa đến an trú Tỉnh giác và Chánh kiến về Pháp, kinh nghiệm Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát.
Lộ trình tâm Bát Chánh Đạo khi thực hành Niệm Pháp:
Nên thực hành Chánh tư duy về Pháp thật thuần thục, kể cả trong định hay không trong định, để nó trở thành hiểu biết thường trực, sâu sắc. Khi đối mặt với thực tế cuộc sống thì Chánh niệm nhớ được điều đã Chánh tư duy đó, sẽ kinh nghiệm không có Tham Sân Si với đối tượng, không có Khổ.
CÁC ĐỀ MỤC THỰC HÀNH & TUỆ TRI
Thực hành Niệm Pháp là nhớ đến tích cực chú tâm quán sát Pháp nơi Pháp, để nhiếp phục tham ưu ở đời và kinh nghiệm được kết quả xảy ra, đồng thời TUỆ TRI các kết quả đó. Cụ thể:
- Tuệ tri Sự giác ngộ của Đức Phật: vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly.
- Tuệ tri Lý duyên khởi.
- Tuệ tri Tứ Thánh Đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.
- Tuệ tri Không, Vô tướng, Vô tác.
- Tuệ tri Bát Chánh Đạo: Định – Tuệ – Giới; Chỉ và Quán.
HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH: Xem hướng dẫn chi tiết Thực hành Chánh Niệm về Pháp tại đây
Nội dung cùng chuyên mục
Follow us on Facebook
Follow us on Pinterest