Các Hình Thức Thực Hành Thiền - Phật Pháp - Tnhthuc.site

Đi tới nội dung
Follow us
Translate this page
Thiền
Nội dung cùng chuyên mục

Các Hình Thức Thực Hành Thiền


Tác giả: U Tejaniya


Các hình thức thực hành thiền: Ngồi thiền, thiền hành, thiền khi ăn, hoạt động hằng ngày
Ngồi thiền
Chúng ta có thể quan sát cái gì? Chúng ta có thể quan sát bất cứ đối tượng nào sinh khởi. Nếu hướng tâm đến hơi thở chúng ta sẽ quan sát được hơi thở. Nếu hướng tâm tới tay chúng ta cũng quan sát được tay. Liệu có thể buộc tâm quay trở lại hơi thở khi đang hướng tâm tới tay hay không? Không thể được. Sẽ rất mệt mỏi khi cố đưa tâm trở lại hơi thở khi nó đang chú ý  tới đối tượng khác. Đâu là sự khác biệt giữa hơi thở và tay? Không có gì khác biệt cả!
Điều gì xảy ra khi tâm hướng tới tiếng ồn? (các thìền sinh hay trả lời là ghi nhận tiếng ồn). Tiếng ồn có làm phiền chúng ta hay không? Chúng không làm phiền nếu chúng ta coi tiếng ồn cũng là hiện tượng tự nhiên. Chúng ta chỉ cần ghi nhận có cái nghe nếu cái nghe đang xảy ra.
Khi mới bắt đầu hành thiền chúng ta sẽ thấy tâm lo lắng, buồn ngủ hay phóng tâm, những cái đó không thành vấn đề.
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thực hiện các công việc trong đó chủ yếu sử dụng các năng lượng phiền não, trong khi yêu cầu chúng ta phải thực hành không có tham hay sân. Lúc ban đầu tâm sẽ mất đi sức mạnh và trở nên yếu ớt. Qua một vài ngày thực hành khi phát triển được chánh niệm và sự ổn định của tâm, nó sẽ trở nên tỉnh thức. Điều gì sẽ xảy ra khi tâm có tỉnh thức? chúng ta sẽ nhận thấy có rất là nhiều suy nghĩ! Nhưng đừng lo lắng, điều đó là tự nhiên không có vấn đề gì cả.
Suy nghĩ sẽ dường như là vấn đề nếu chúng ta cho rằng chúng đang phân tán sự thực hành của mình và muốn ngừng chúng lại.
Nhưng liệu suy nghĩ không phải là tâm sao? Nếu thực sự muốn học hỏi về tâm thì những suy nghĩ này đang chỉ dẫn cho chúng ta. Liệu chúng ta có quan sát được nó không? Tại sao lại nổi sân với suy nghĩ? (một số thiền sinh trả lời: cảm thọ và cảm xúc xuất hiện là do có các suy nghĩ này) nếu vậy chúng ta sẽ quan sát các cảm thọ sau đây:
Chúng cũng là điều phiền toái chăng? (Thiền sinh trả lời:Chúng chỉ là đối tượng – Đúng vậy!
Nếu ghi nhận các cảm thọ này cũng là đối tượng có nghĩa là đang hành thiền minh sát.
Đừng đặt ra vấn đề thời gian trong khi ngồi thiền. Nếu bắt buộc phải ngồi trong một thời gian nhất định nào đó, chúng ta có thể trở nên lo lắng nếu không thực hiện được điều này (vì một lý do nào đó). Sự lo lắng này sẽ làm tâm bất an và phá vỡ sức định. Vì vậy đừng đặt ra thời gian cụ thể nào cả. Hay biết cái đang xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại là đủ rồi. Nếu cảm thấy khó ngồi chúng ta có thể đứng dậy và đi thiền hành, nhưng phải luôn duy trì sự hay biết những gì đang xảy ra trong tâm và thân.
Thiền hành
Thiền hành cũng giống như khi ngồi thiền, khi đó chúng ta chỉ hay biết bất kỳ cái gì đang sinh khởi hay xảy ra. Cứ để thân chuyển động một cách dễ dàng, tự nhiên. Hãy đi bình thường và tự nhiên. Đi với nhịp độ tự nhiên. Đừng đi quá chậm.
Đừng buộc mình phải quan sát các đối tượng liên quan tới thân khi đang đi. Chúng ta sẽ bị căng thẳng khi phải hướng tâm tới chân trong cả giờ đồng hồ khi đi thiền hành. Hãy hay biết toàn thân. Nếu nhận thấy đổ mồ hôi, hãy hay biết điều đó. Nếu nhận thấy chuyển động của tay hãy hay biết điều đó, tay chúng ta có nắm lại không hay chúng đang đung đưa. Chúng ta phải hay biết tất cả các hoạt động đó.
Chúng ta cũng phải hay biết khi nhìn, nghe, suy nghĩ, ngửi, xúc chạm hay cảm nhận trong lúc đi.
  •    Tâm hay biết cái gì?
  •    Trạng thái tâm ra sao?
  •      Điều gì đang xảy ra trong tâm?
  •    Tâm có bình an không?
 
Sẽ rất tốt nếu hay biết được tác ý dừng hay di chuyển và tốt hơn nữa nếu nhận ra được tại sao chúng ta tiếp tục đi.
Thiền khi ăn
Kiểm tra xem cái nào mạnh hơn: ý muốn ăn hay ý muốn thực hành?
Tâm tham sẽ có mặt ngay khi bữa ăn bắt đầu. Hãy ưu tiên quan sát tâm trước, sự háo hức ăn lúc này rất mạnh.
Cảm thọ rõ rệt đi liền với ý muốn ăn này. Khi sự háo hức mạnh thì sự hay biết rất yếu hay không có mặt. Trạng thái tâm khi ăn thế nào, có được thư giãn không? Thường xuyên kiểm tra để chắc chắn rằng chúng ta không ăn cùng với sự háo hức. Ham muốn rõ rệt thì tâm sẽ cảm thấy hơi căng. Tâm sẽ có nhiều cách khác nhau để lựa chọn lấy đồ ăn. Chúng ta ăn ra làm sao? Chúng ra gắp gì tiếp sau khi vừa đưa một miếng vào miệng? Tâm ta đã chuẩn bị cho miếng kế tiếp rồi. Trừ khi chúng ta hay biết tâm đang làm gì, còn không sẽ tiếp tục theo dòng suy nghĩ và lên kế hoạch do sự háo hức thúc đẩy.
Đừng quá tập trung vào thức ăn mà hãy liên tục quan sát tâm khi đang ăn. Cố gắng nhận biết tâm hoạt động như thế nào khi đang ăn càng nhiều càng tốt.
  •    Chúng ta ăn với trạng thái tâm gì?
  •    Tâm cảm nhận ra sao?
  •    Có được thoải mãi không?
Khi tâm thư giãn chúng ta có thể quan sát sự chuyển động của thân. Ví dụ, chúng ta có thể quan sát cách mình cầm đũa ra sao? Sự xúc chạm, mở miệng, nhai hay cắn đồ ăn thành từng miếng nhỏ. Chúng ta cũng biết được nhiều vị khác nhau như mặn hay cay. Chúng ta có thể biết bất kỳ hay tất cả các đối tượng này. Liệu chúng ta có quan sát được món mình thích hay món mình không thích ăn hay không? Liệu cái đói có giống sự muốn ăn không? Cái đói xảy ra trong thân, còn sự muốn ăn xảy ra trong tâm và là hoạt động của suy nghĩ.
Đôi khi giữa ý muốn ăn và cảm xúc đói có sự liên hệ với nhau. Chúng ta chỉ cần quan sát tất cả các sự việc này và mọi thứ đang xảy ra theo bản chất của nó.
Hoạt động hàng ngày
Thiền không chỉ là ngồi. Chúng ta đứng dậy sau khi ngồi thiền để làm các hoạt động khác ra sao? Hãy đứng dậy và làm trong chánh niệm. Khi chuyển tiếp từ ngồi thiền sang các hoạt động khác, hãy luôn chánh niệm. Chánh niệm cần phải được duy trì liên tục trong cả ngày khi ngồi, khi đi, khi ăn hay làm các hoạt động khác. Làm như vậy các bất thiện tâm sẽ khó xen vào.
Chúng ta có hay biết tâm đang làm gì khi đi lên hay xuống cầu thang, khi tra chìa khóa mở cửa, khi mở hoặc đóng cửa. Khi bước vào phòng đầu hay chân vào trước? Chúng ta cần phải quan sát bản thân trong các hoạt động thường ngày như thế này. Chúng ta làm gì khi trở về phòng riêng của mình? Liệu khi vừa vào phòng chúng ra có tháo khăn và quăng nó lên giường hay không? Hãy tiếp tục hay biết khi chúng ta ở trong phòng của mình. Chúng ta có thể học hỏi từ bất kỳ cái gì đang xảy ra. Mỗi khoảnh khắc đều là khoảnh khắc thích hợp để hành thiền.
Hãy quan sát tất cả các hoạt động thường ngày như rửa mặt, đánh răng, chải đầu, thay quần áo. Cố gắng hay biết tất cả các hoạt động này cho dù là nhỏ nhất.
Lúc ban đầu có thể quan sát các hoạt động nổi trội trong thân, nhưng điều quan trọng là phải luôn kiểm tra tâm, vì trạng thái tâm thiền thì quan trọng hơn những gì xảy ra trong thân. Hãy có sự thích thú quan sát bất kỳ cái gì đang xảy ra và bất kỳ cái gì chúng ta đang làm, vì chúng ta muốn biết mọi thứ liên quan tới tâm và thân hoạt động ra làm sao.
Đồng thời cũng phải hay biết khi đi ngủ và khi chìm vào giấc ngủ. Khi thức dậy cũng phải biết tới cảm giác ngái ngủ hoặc muốn ngủ thêm. Đó cũng là hành thiền.
  •    Chúng ta hay biết cái gì khi vừa thức dậy?
  •    Thân nằm ngửa hay nằm sấp?
  •    Điều gì xảy ra trong thân?
  •    Điều gì xảy ra trong tâm?
Chúng ta đang sử dụng sự thông minh, trí tuệ của mình và liên tục làm cho chúng sắc bén do có sự thích thú trong khi thực hành, trong việc chúng ta đang làm và bằng cách đặt ra các câu hỏi như:
  •    Đó là cái gì?
  •    Điều gì đang xảy ra?
  •    Tại sao nó xảy ra?
Khi suy nghĩ về việc hành thiền và cách thức thực hành tức là chúng ta đang tạo ra các tư duy thiện, như vậy các tư duy bất thiện khó sinh khởi. Hành thiền là làm sắc bén chánh niệm, phát triển sự ổn định của tâm và trí tuệ. Có một số câu hỏi cần suy xét như sau:
  •    Tôi đang làm gì?
  •    Tôi đang hành thiền ra sao?
  •    Tôi thực hành có đúng cách hay không?
  •    Tôi tiếp tục việc thực hành ra sao?
Trong giai đoạn đầu chúng ta có thể cảm thấy hơi mệt khi học cách thực hành cho thành thục. Nhưng khi đã biết thực hành cùng với thái độ chân chánh cả tâm và thân sẽ cảm thấy bình an
Nội dung cùng chuyên mục
Follow us on Facebook
Follow us on Pinterest
Follow us
---  We cannot find happiness until we stop searching for it  ---
Designed & managed by KTK Minh Tuệ
Quay lại nội dung