Nương nhờ Giáo Pháp của Đức Phật - Phật Pháp - Tnhthuc.site

Đi tới nội dung
Follow us
Translate this page
Thư viện

Nương nhờ Giáo Pháp của Đức Phật


Tác giả: Nina Van Gorkom
Nội dung cùng chuyên mục

Chương 7: Con đường đúng và con đường sai (Đạo và Phi đạo)


Buổi pháp đàm tại Pnompenh (Phần 1)
Buth Sawong: Tất cả mọi người đang có mặt tại đây đều muốn nghe về sự phát triển tứ niệm xứ. Tôi muốn biết sự khác biệt giữa trí tuệ ở mức độ tư duy về danh và sắc, và trí tuệ xuyên thấu đặc tính của danh và sắc.
       Khun Sujin: Trước hết, mọi người nên lắng nghe Giáo pháp để có hiểu biết đúng, để hiểu được sự thực rằng ngay tại thời điểm này chỉ có các thực tại vô ngã. Tuy nhiên không phải dễ dàng để hiểu rằng tại thời điểm này, trong lúc nghe Pháp thì không có ai đang nghe cả, chỉ có các thực tại mà thôi.
Tất cả mọi người đều biết là mình đang thấy và cái thấy là thực. Đức Phật đã giảng rằng cái thấy là một thực tại, là danh, là yếu tố kinh nghiệm cái gì đó. Tuy nhiên, mọi người không nhận ra sự thực, rằng cái thấy chỉ kinh nghiệm cái xuất hiện qua nhãn môn, tức đối tượng thị giác. Họ vẫn tưởng rằng cái được thấy là cái này hay cái kia, một “cái gì đó” cụ thể.
Chúng ta cần nghe Pháp để có được cái hiểu đúng đắn, chắc chắn và vững vàng về thực tại. Dường như ở thời điểm này chúng ta thấy con người, bông hoa hay cái bàn, nhưng chúng ta cần phải biết rằng một vị Phật toàn giác, tại thời điểm giác ngộ Phật quả, đã xuyên thấu bản chất của các thực tại. Vị ấy đã chứng ngộ rằng cái được thấy chỉ là một thực tại xuất hiện qua nhãn môm. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng Pháp mà Đức Phật đã xuyên thấu là sự thực đang sinh khởi lúc này.
Mặc dù mọi người đã được nghe Pháp một thời gian, nhưng dường như khi mắt họ mở ra và có cái thấy kinh nghiệm đối tượng thị giác thì họ vẫn thấy mọi người và đồ vật khác nhau như bình thường. Điều ấy chỉ ra rằng có rất nhiều sự vô minh. Vô minh (avijja) là thực tại không hay biết đặc tính của các pháp như chúng là.
Tất cả mọi người ở đây đều biết rằng họ cần tiếp tục phát triển trí tuệ, bởi trí tuệ ở mức độ lý thuyết, được duyên bởi cái nghe thì không có khả năng hiểu được một cách rõ ràng bản chất thực sự của thực tại. Để có sự phát triển của trí tuệ, rất quan trọng phải biết được sự khác biệt giữa các khoảnh khắc có chánh niệm và khoảnh khắc không có chánh niệm, hay thất niệm về thực tại. Khi chúng ta lắng nghe Giáo pháp, có thể nhờ có chánh niệm mà ta hiểu được cái đang nghe. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là mức độ của chánh niệm trực tiếp hay biết đặc tính của thực tại đang sinh khởi. Nghe Pháp sẽ đạt được lợi ích lớn lao nếu ta cũng suy xét về những gì đã được nghe, như vậy dần dà sẽ có thêm hiểu biết về các thực tại đang xuất hiện trong hiện tại; có thể có thêm hiểu biết về cái thấy khi cái thấy xảy ra. Không nên có chút mong đợi nào về thời điểm có hiểu biết rõ ràng về thực tại xuất hiện. Chúng ta có thể bắt đầu hiểu rằng cái xuất hiện qua nhãn môn chỉ là một loại sắc, là đối tượng thị giác mà thôi. Màu sắc hay đối tượng thị giác được duyên bởi tứ đại, bao gồm các yếu tố địa đại (sự cứng mềm), thủy đại (sự kết dính), hỏa đại (sự nóng lạnh), phong đại (sự chuyển động, căng-trùng). Nếu không có tứ đại sinh khởi cùng đối tượng thị giác thì nó sẽ không thể xuất hiện. Màu sắc hay đối tượng thị giác không thể tự sinh khởi từ hư không. Nó cần có sự hỗ trợ của ba đại sinh cùng nó. Nhờ ba đại sinh khởi cùng với nó, chúng ta có thể nhận ra những hình dạng khác nhau. Tưởng (sanna) có thể nhận ra những thứ này là cái này hay cái kia. Sanna, sự ghi nhớ, không phải là tà kiến. Những người đã loại bỏ tà kiến, nhờ có sanna, vẫn có thể nhận ra được những gì mà họ đã thấy.
Khi chánh niệm đã được phát triển và trí tuệ có thể trở nên sắc bén hơn, hoài nghi về sự khác biệt giữa các đặc tính của danh – thực tại kinh nghiệm đối tượng và của sắc – chẳng hạn như đối tượng thị giác xuất hiện qua nhãn môn – có thể được loại bỏ hoàn toàn. Nhưng cần phải vô cùng kiên nhẫn để có thể lắng nghe Giáo pháp, suy xét và thẩm định về thực tại rằng tất cả những gì đang xuất hiện tại thời điểm này chỉ là pháp, là thực tại mà thôi. Nếu chánh niệm sinh khởi, nó có thể hay biết đặc tính của bất cứ thực tại nào đang xuất hiện. Khi bắt đầu, vẫn có ý niệm về ngã. Chánh niệm có thể sinh khởi, nhưng vẫn có ý muốn cố gắng hiểu thực tại. Rất quan trọng nhận ra sự khác biệt giữa giây phút của cái hiểu và giây phút của mong muốn hiểu thực tại. Chúng ta cần phải hay biết sự dính mắc của chúng ta đối với hiểu biết, nếu không sự dính mắc sẽ không thể bị diệt trừ. Dính mắc là nguồn gốc của khổ đau, đó chính là tập đế trong Tứ Thánh Đế. Dính mắc là nguyên nhân khiến ta không hay biết sự thực của các thực tại.
Chúng ta cần phải biết được mục đích của việc nghe Pháp. Mục đích không phải là để đạt được cái gì đó cho bản thân, không phải vì danh vọng hay tiếng thơm, không phải để được ngưỡng mộ là một người thông minh có đầy đủ trí tuệ. Mục đích là hiểu bản thân mình, nhận ra hiểu biết còn thiểu sót của mình về các đặc tính của thực tại, hiểu sự vô minh của chúng ta, chẳng hạn về đối tượng thị giác đang xuất hiện trước mắt. Chúng ta nên nhớ rằng, chừng nào chúng ta còn sống thì điều đáng quý nhất chính là trí tuệ hay biết thực tại như chúng là.
Nếu Đức Phật chưa dạy con đường phát triển tuệ giác, chúng ta sẽ không thể hay biết về đặc tính của thực tại. Suốt cả cuộc đời, chúng ta sẽ tiếp tục thấy mà không biết thực tại của cái thấy là gì. Nhưng nhờ có lời dạy của Đức Phật, mọi người có thể tự nhận ra khi nào có chánh niệm và khi nào có thất niệm về thực tại. Không ai có thể nói cho chúng ta biết mình có chánh niệm hay không, chúng ta chỉ có thể tự biết điều này cho bản thân mà thôi. Kể cả khi chánh niệm sinh khởi, đặc tính của các thực tại có thể vẫn chưa được thấy như chúng là. Tuy nhiên, chánh niệm lại có thể sinh khởi tiếp và bằng cách ấy dần dần sẽ có thêm một chút hiểu biết về thực tại. Chúng ta có thể hiểu rằng các thực tại đang sinh khởi một cách tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày khi có đủ duyên phù hợp cho chúng, và rằng kể cả đặc tính của chánh niệm cũng chỉ có thể xuất hiện khi có đủ nhân duyên, rằng sự sinh khởi của chánh niệm không thể được tạo ra bằng ý chí. Chúng ta nên nhớ, chỉ chánh niệm, chứ không phải ai đó, hay biết đặc tính của thực tại. Hiểu điều này là cách duy nhất để có thể loại bỏ được ý niệm về ngã, ý niệm rằng “tôi đang thực hành”.
Giáo pháp mà mọi người nghe hôm nay là Pháp mà Đức Phật đã thuyết giảng tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana), Trúc lâm tịnh xá (Veluvana) và các nơi khác. Những người nghe Pháp hiểu rằng thấy, nghe, suy nghĩ, hạnh phúc hay khổ đau đều là các thực tại, là pháp. Đó là các pháp thực, pháp đế (sacca pháp), đó là pháp thực trong mỗi một cuộc đời. Hiểu biết về pháp thực được tích lũy từ trước, nó phụ thuộc vào việc đã được nghe Pháp từ trong các tiền kiếp. Nếu ai đó trong cuộc đời của mình không có cơ hội nghe và hiểu Pháp, thì cuộc sống của người ấy đầy tham, sân, si và các loại phiền não khác, và người ấy luôn tích lũy ngày càng nhiều các bất thiện pháp. Vì vậy, khi có cơ hội được nghe Pháp thì chúng ta cần phải biết lắng nghe và suy xét, chúng ta cũng nên tự thẩm sát những đặc tính của thực tại đang xuất hiện tại giây phút này. Chúng ta cần nghe đi nghe lại và tiếp tục thẩm sát các thực tại nhằm phát triển hiểu biết, từng chút một. Nếu ai đó có ý định phát triển trí tuệ thì người ấy cần phải tích lũy từ bây giờ. Nếu người ấy không bắt đầu tại thời điểm này thì không thể có trí tuệ.
Tôi đánh giá cao thiện pháp của những người nghe đã tích lũy được trong quá khứ. Sự tích lũy này tạo duyên cho sự sinh khởi trí tuệ hiểu được lợi ích của Giáo pháp; và đó là nhân duyên để quan tâm nhiều hơn đến nghe và áp dụng Giáo pháp.
       Buth Sawong: Tôi muốn hỏi lại sự khác biệt giữa trí tuệ ở mức độ lý thuyết và trí tuệ trực tiếp xuyên thấu sự thực về pháp.
       Khun Sujin: Tại thời điểm này mọi người nghe Pháp và hiểu điều họ được nghe, nhưng đó vẫn chưa phải là cái hiểu trực tiếp, cái hiểu được bản chất thực sự của cái thấy khi thấy. Cái nghe xuất hiện tại thời điểm này và mọi người biết rằng đó là một loại danh, nhĩ thức, sinh khởi rồi diệt đi. Họ có cái hiểu lý thuyết về các thực tại này nhưng có thể họ vẫn chưa nhận ra đặc tính thực sự của thực tại đang nghe âm thanh sinh khởi và diệt đi. Mới chỉ có trí hiểu thực tại ở mức độ lý thuyết, tư duy. Nghe sinh khởi tại thời điểm này là thực, đó là pháp sinh và diệt. Chừng nào ta vẫn chưa trực tiếp hiểu được sự thực về thực tại sinh khởi tại giây phút này, thì vẫn chỉ là hiểu biết ở mức độ lý thuyết, được duyên bởi việc nghe. Trong khi đó, khi ai đó có cái hiểu trực tiếp và xuyên thấu được đặc tính của thực tại, người ấy biết rằng loại trí tuệ này khác với cái hiểu lý thuyết. Trước hết, mọi người cần phải biết đặc tính của chánh niệm.
Chánh niệm của Bát chánh đạo không phải là một “ai đó”, người đang hay biết. Samma-sati hay chánh niệm của Bát chánh đạo hay biết thực tại đang xuất hiện. Khi nó sinh khởi, sẽ không chỉ có cái hiểu lý thuyết. Chánh niệm hay biết trực tiếp đặc tính của thực tại xuất hiện, và nhờ vậy bản chất thực sự của nó có thể được hiểu vào thời điểm ấy. Vì vậy chúng ta có thể thấy được sự khác biệt giữa cái hiểu lý thuyết và trí tuệ – cái hiểu trực tiếp thực tại đang sinh khởi. Tất cả mọi người có thể tự biết rằng mình đang ở mức độ hiểu biết nào.
Trong quá khứ, khi Đức Phật thuyết Pháp và giảng về sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, thì người nghe, khi có chánh niệm sinh khởi, có thể tự hay biết được bản chất của các thực tại đang xuất hiện qua các căn đó. Khi chánh niệm không sinh khởi, họ biết rằng mới chỉ có cái hiểu lý thuyết được duyên bởi việc nghe Pháp. Chỉ trí tuệ mới có thể hiểu được đặc tính của thực tại, chúng ta không phải làm điều gì đặc biệt. Nếu tại thời điểm này trí tuệ có thể xuyên thấu được đặc tính của các thực tại, đó không phải bởi vì có một cái ngã nào đã cố gắng làm điều gì đó đặc biệt. Không có ai cả, không có người nào đang phát triển tứ niệm xứ. Khi chánh niệm sinh khởi và hay biết về các thực tại, chúng ta có thể biết được đặc tính của chánh niệm và trí tuệ, và bằng cách ấy thì tà kiến cho rằng các thực tại là ta hay là ngã có thể dần dần được loại bỏ. Cuối cùng, có thể có được hiểu biết rõ ràng về sự thực rằng tất cả những gì đang sinh khởi hiện giờ chỉ là pháp. Pháp xuất hiện hằng ngày qua các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Khi chánh niệm sinh khởi, nó hay biết thực tại, và nếu nó không sinh khởi, sẽ có vô minh không hiểu được thực tại. Chánh niệm có thể hay biết được đặc tính của thực tại đang xuất hiện một cách tự nhiên, chúng ta không phải làm điều gì đặc biệt. Trí tuệ phát triển rất từ từ, nhưng đó là cách thực hành đúng đắn.
Muốn biết cái gì đó khác ngoài cái xuất hiện hiện giờ là vô ích. Các thực tại đang xuất hiện tại thời điểm này và vì vậy bất kỳ cái gì đang xuất hiện bây giờ đều có thể được hiểu như nó là. Nếu chúng ta vẫn chưa hiểu được thực tại thì ta cần phải nghe, nghe đi nghe lại, suy ngẫm đi suy ngẫm lại, chúng ta nên học để hay biết đi hay biết lại và như vậy sẽ có thêm hiểu biết. Sự kham nhẫn và bền bỉ là không thể thiếu được.
Đạo hay con đường đúng cần phải được phát triển. Một người đi con đường sai khi người ấy muốn biết gì đó khác ngoài những thực tại đang xuất hiện hiện giờ. Như vậy sẽ không có trí tuệ. Nếu có trí tuệ thì nó phải hiểu được đặc tính của thực tại đang xuất hiện.
Những người đã chứng ngộ được chân lý có thể hiểu trí tuệ lớn lao của Đức Phật, người ấy có thể hiểu rằng, tại thời điểm giác ngộ, Đức Phật đã xuyên thấu sự thực về các thực tại vốn vô cùng khó để hiểu được. Thực tại luôn sinh khởi, nhưng dù chúng ta đã nghe Pháp trong một thời gian dài, trí tuệ vẫn có thể rất hiếm khi sinh khởi và phát triển rất chậm chạp. Tuy nhiên, cách đó vẫn còn tốt hơn là đi theo con đường sai, nơi không có chút trí tuệ nào.
       Buth Sawong: Một số người nghe muốn hỏi làm thế nào để thực hành tứ niệm xứ. Tôi nhận ra rằng có rất nhiều sự thực hành sai lầm. Nhiều người thực hành quán niệm hơi thở theo cách sai và quán niệm hơi thở nằm trong tứ niệm xứ, phần niệm thân. Họ không biết đặc tính của các thực tại tạo nên thân.
       Khun Sujin: Hãy hỏi đi, vì đây là một buổi pháp đàm. Chúng ta hãy thảo luận tại sao một người không thực hành theo con đường đúng.
       Buth Sawong: Làm thế nào để mọi người có thể thực hành theo con đường đúng?
       Khun Sujin: Có con đường đúng và con đường sai. Bây giờ tôi lại muốn hỏi các bạn: Bởi điều gì mà một người lại thực hành theo con đường sai?
       Buth Sawong: Bà làm ơn giúp chúng tôi giải thích điều này không?
       Khun Sujin: Người đặt câu hỏi cũng cần phải tự suy ngẫm và thẩm sát những câu hỏi này. Người ấy cũng cần phải tìm ra nguyên nhân nào mang đến kết quả nào. Nếu người ấy không tự suy nghĩ về câu hỏi của mình trước, người ấy sẽ không biết rõ nhân nào dẫn đến quả nào. Bởi vì có trí tuệ mà người ấy có thể tự trả lời những câu hỏi về sự thực hành. Nếu như người ấy không thể trả lời những câu hỏi ấy, người ấy sẽ không thể đi theo cách thực hành đúng được. Bạn có thể trả lời ngắn gọn câu hỏi của tôi được không: Lý do nào khiến một người thực hành theo con đường phi đạo?
       Buth Sawong: Tôi lại muốn hỏi trong một vài câu ngắn ngủi: làm thế nào để ai đó có thể thực hành theo con đường đúng?
       Khun Sujin: Liệu bạn có thể suy ngẫm lý do tại sao ai đó không thể thực hành theo con đường đúng không?
       Buth Sawong: Bởi vì người ấy không biết sự thực.
       Khun Sujin: Người ấy không biết thế nào là con đường sai. Người ấy vô minh, người ấy không hiểu gì cả. Nếu người ấy có được cái hiểu đúng, người ấy sẽ đi theo con đường đúng. Sự thực hành sai hay phi đạo là một dạng của tà kiến (miccha ditthi) và nó được duyên bởi vô minh. Nếu ai đó nói với người khác rằng ngồi là cần thiết cho sự thực hành đúng, thì những người đi theo lời khuyên này sẽ có thêm hiểu biết gì? Nếu những người ấy không có thêm hiểu biết gì trong khi ngồi thì lý do để ngồi là gì? Hiểu biết là điều không thể thiếu được đối với pháp hành đúng. Đức Phật dạy Giáo pháp với mục đích giúp mọi người hiểu đặc tính của thực tại đang xuất hiện tự nhiên tại giây phút này. Đức Phật không bảo mọi người ngồi mà bảo mọi người nghe Pháp để có thêm hiểu biết. Nếu mọi người không có được cái hiểu đúng về mặt lý thuyết về thực tại, cái được duyên bởi việc nghe Pháp thì họ đang thực hành theo cách nào? Nếu họ không có thêm hiểu biết nào thì có vô minh, và như vậy cũng có cả tà kiến đang làm duyên cho tất cả những loại thực hành sai. Một điều cơ bản phải hiểu là không có cái ta, cái ngã nào đang thực hành cả. Mọi thứ đều là pháp: chánh kiến (samma-ditthi) là pháp, tà kiến (micha-ditthi) là pháp, tham (lobha), sân (dosa), si (moha), trí tuệ, tất cả đều là pháp, là các thực tại vô ngã
Một người có tà kiến sẽ đi theo pháp hành sai, người ấy sẽ không thể đi theo pháp hành đúng được. Trong khi ấy người có cái hiểu đúng thì không thể đi theo pháp hành sai. Nếu một người khác nói với một người có cái hiểu đúng rằng ngồi là cần thiết cho pháp hành thì người ấy sẽ không ngồi bởi vì người ấy biết rằng, người ấy không phát triển được bất kỳ hiểu biết nào chỉ nhờ việc ngồi, và vì vậy không có lý do nào để cho người ấy ngồi.
       Buth Sawong: Làm sao chúng ta có thể thực hành theo con đường đúng của Tứ niệm xứ và đặc biệt là của niệm thân?
       Khun Sujin: Tại sao bạn lại chọn một đối tượng nhất định cho chánh niệm?
       Buth Sawong: Bởi vì tôi đọc trong kinh điển về niệm thân, nhưng tôi không biết làm cách nào để thực hành nó.
       Khun Sujin: Có sáu cửa giác quan, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Các đối tượng sinh khởi qua sáu căn tạo nên “thế giới” xuất hiện trước chúng ta; trên thực tế có sáu thế giới đang xuất hiện qua sáu môn. Nếu không có sáu thế giới đó thì chúng ta sẽ không kinh nghiệm gì cả. Vào thời điểm này, có cái thấy nhưng chúng ta có thể không biết được cái thấy như nó là. Đó chỉ là một thực tại, một loại kinh nghiệm khác với nghe hay suy nghĩ. Cái xuất hiện qua mắt là đối tượng thị giác, khác với âm thanh.
Những người chứng ngộ được sự thực tại thời điểm thấy, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm hay suy nghĩ sẽ không có một chút nghi ngờ nào về tứ niệm xứ: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp. Sẽ có thể có sự nghi ngờ về cái tên của tứ niệm xứ, về các khái niệm nhưng không có sự nghi ngờ về các thực tại. Người đã trực nhận được sự thực biết rằng có các thực tại trên thân là sắc luôn xuất hiện. Sắc xuất hiện ở khắp mọi nơi trên thân, từ đầu tới chân, đều là pháp, là các thực tại. Tâm có thể kinh nghiệm thực tại xuất hiện qua thân căn khi có sự xúc chạm với cơ thể. Hiện giờ răng, máu hay tim có đang xuất hiện lúc này không?
       Buth Sawong: Những cái đó tồn tại theo nghĩa chế định.
       Khun Sujin: Bạn có thể nhớ rằng chúng có tồn tại, nhưng hiện giờ chúng có xuất hiện không?
       Buth Sawong: Chúng không xuất hiện hiện giờ
       Khun Sujin: Chúng đã sinh và diệt rồi. Cái đã sinh và diệt không xuất hiện tại thời điểm bây giờ. Nhưng mọi người nhớ chúng theo một cách sai lệch và chính vì vậy, chúng có vẻ kéo dài, thường hằng. Họ cho rằng cái thân từ đầu tới chân là ta. Đó chính là nhớ tưởng sai lầm về ngã (atta sanna).
Đức Phật nói rằng tất cả các pháp đều vô ngã, anattā. Sắc pháp là sắc pháp và danh pháp là danh pháp. Mỗi thứ đều có đặc tính riêng của chúng và không ai có thể thay đổi những đặc tính ấy; chúng là những thực tại, không phải là ta. Sắc pháp sinh và diệt cực kỳ nhanh, nhưng danh pháp sinh và diệt còn nhanh hơn cả sắc pháp. Khi sự thực đã được chứng ngộ, không gì còn lại trong cuộc đời của chúng ta ngoài một khoảnh khắc của tâm kinh nghiệm sắc hay danh đang xuất hiện. Mọi người vướng mắc vào cái ta, và bởi tưởng mà họ biết mình có phổi, gan, tim hay tụy, chúng dường như tồn tại, nhưng khi có trí tuệ thì nó có thể nhận ra rằng đó chỉ là suy nghĩ mà thôi. Tứ niệm xứ không phải là suy nghĩ, nó là sự phát triển cái hiểu trực tiếp về đặc tính của các thực tại đang xuất hiện.
Khi chúng ta chạm vào bất kỳ phần nào trên thân thì đặc tính mềm hay cứng đang xuất hiện. Cứng và mềm là các sắc sinh và diệt ngay lập tức. Vì có tưởng mà chúng ta nghĩ về các phần khác nhau của thân, và tôi sẽ đưa ra ví dụ về điều này. Một người có một cái chân bị cụt vẫn có cảm giác rằng mình có chân. Đó chính là do tưởng đã làm duyên cho người ấy nghĩ rằng người ấy vẫn có chân, mặc dù cái chân ấy đã bị cụt. Có sự ghi nhớ về tất cả những sắc được gọi là chân. Trên thực tế thì sắc đang sinh khởi hiện giờ diệt ngay lập tức, và khi có duyên đầy đủ thì nó lại được thay thế bởi sắc khác lại sinh và diệt. Tuy nhiên, bởi vì có tưởng, mọi người nghĩ về toàn thân của họ từ đầu tới chân, cũng như trong trường hợp người có cái chân bị cắt vẫn có cảm giác người ấy có chân. Chỉ khi ngã tưởng, tức là sự ghi nhớ sai lầm về ngã (atta sanna), mà bởi nó chúng ta vẫn tiếp tục suy nghĩ rằng có cái thân tồn tại, đã được tận diệt, thì ta mới có thể hiểu rằng tất cả các pháp đều là vô ngã, rằng không có gì còn lại của thân như là một khối mà chỉ có đặc tính của sắc tại mỗi thời điểm đang sinh khởi. Đó là cách để hiểu ý nghĩa của anattā.
Rất khó để có thể loại bỏ sự ghi nhớ sai lầm về ngã. Khi sắc là tính lạnh tác động lên một phần nào đó trên thân, nó diệt ngay lập tức, nhưng thật khó mà nhận ra điều này. Sẽ luôn luôn có sự ghi nhớ “tôi là người đang ngồi” và sẽ có sự ghi nhớ về cái tay, cái chân, cái đầu và về toàn thân. Tà kiến về ngã vẫn chưa được tận diệt. Đức Phật giải thích rằng khi chánh niệm sinh khởi và hay biết về từng đặc tính một của thực tại đang xuất hiện qua thân căn, thì ở thời điểm ấy có niệm thân. Tứ niệm xứ không phải là cái gì đó khác ngoài chánh niệm về cái đang xuất hiện qua mắt, qua tai, qua mũi, qua thân và qua ý. Mọi người không nên lựa chọn đối tượng của Tứ niệm xứ bởi vì như thế là có sự dính mắc vào ý niệm về một cái ngã có thể lựa chọn một đối tượng. Không ai có thể ra lệnh cho chánh niệm hay một đối tượng cụ thể nào. Chỉ có chánh niệm mới có thể hay biết đối tượng này hay đối tượng kia. Chánh niệm có thể hay biết cái xuất hiện qua mắt hay đối tượng của cái thấy tại thời điểm này khi đang có cái thấy. Tại thời điểm ấy không có chánh niệm trên thân. Sẽ có thể có chánh niệm về pháp hay chánh niệm về tâm, tức là niệm pháp hay niệm tâm, tùy thuộc vào nhân duyên. Không có phương pháp nào quy định ai đó có thể làm gì đó cụ thể để có thể có chánh niệm trên thân, thọ, tâm hay pháp. Không có phương pháp nào để có thể đi theo. Cách duy nhất để phát triển Tứ niệm xứ là dần dần hiểu được các thực tại đang xuất hiện. Chánh niệm có thể biết được bất kỳ thực tại nào đang xuất hiện, chẳng hạn khi có cái thấy thì có thể có sự hay biết về thọ. Khi có sự hay biết về các đặc tính của thọ thì có thể tại giây phút đó không có chánh niệm về thân hay chánh niệm về tâm. Thuật ngữ pali được sử dụng trong trường hợp này là Vedananupassana Satipaṭṭhāna, nghĩa là: sự suy xét hay quán niệm về thọ. Điều này chỉ ra rằng trí tuệ được phát triển nhờ chánh niệm, qua sự suy xét về các đặc tính của thực tại. Nếu một người chưa từng hay biết về các đặc tính của thọ, thì người ấy vẫn tiếp tục coi thọ là ngã.

Mục lục:
Nội dung cùng chuyên mục
Follow us on Pinterest
Follow us
Follow us on Facebook
---  We cannot find happiness until we stop searching for it  ---
Designed & managed by KTK Minh Tuệ
Quay lại nội dung