Nghĩ Đến Cái Chết, Hãy An Vui

Đi tới nội dung
Follow us
Translate this page

Nghĩ Đến Cái Chết, Hãy An Vui

Phật Pháp - Tnhthuc.site
Được phát hành bởi tinhthuc.site trong Đạo và Đời · Monday 03 Jun 2024
Tags: ĐạoĐờiNghĩĐếnCáiChếtAnVui
Sống và chết thực sự chỉ là hai mặt của một vấn đề. Chúng ta sống như thế nào thì khi chết ít nhiều chúng ta cũng chết giống như cách của chúng ta sống.
Nếu chúng ta sống trong “ vô minh “, có
khả năng chúng ta sẽ phải đối mặt với sự đau khổ tột cùng trong giây phút cuối cùng của cuộc đời chúng ta, chẳng có một chút bình yên và chánh niệm. Nhưng nếu chúng ta thường tạo thiện nghiệp và tu tập để phát triển tỉnh giác, chúng ta có thể ra đi một cách yên bình, trong chánh niệm cho đến hơi thở cuối cùng.
Cuộc sống của một người đã giác ngộ là lúc nào cũng nhận thức rõ rằng cái chết có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên sẵn sàng đối mặt với cái chết. Và cho dẫu khi tâm của người đó vẫn chưa cảm thấy sẵn sàng để đối mặt với cái chết, người đó vẫn có thể huấn luyện tâm của mình thêm qua những sinh hoạt hàng ngày để giúp cho nó có thể chấp nhận: Người đó luôn cố gắng hoàn thành bổn phận của mình một cách tốt nhất, chấp nhận rằng cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào là một sự thật của cuộc sống.
Có nhiều phương pháp để giúp chúng ta có thể quán niệm thuần thục cái chết hay moranassati. Chỉ cần một niệm suy nghĩ rằng chẳng chóng thì chầy chúng ta rồi cũng chết sẽ giúp chúng ta tận dụng thời gian còn lại của chúng ta. Tuy nhiên, đối với nhiều người, những suy tưởng đó có thể vẫn chưa đủ. Họ có thể quan tâm trong chốc lát, nhưng cuối cùng, cuộc sống của họ rồi cũng sẽ rơi trở lại với những thói quen cũ, đắm chìm vào công việc hay những thú vui giải trí sẵn có.
Một cách đơn giản để quán chiếu về cái chết là tưởng tượng điều gì có thể xảy ra cho chúng ta nếu cái chết thực sự xảy ra – ngay bây giờ. Chúng ta sẽ mất những gì? Chúng ta sẽ nhớ đến ai? Làm như vậy, những người nếu chưa sẵn sàng, có thể có cảm giác đau khổ hoặc khó chịu. Tuy nhiên, suy niệm về một tình huống không dễ chịu như vậy có thể giúp người đó có sự chuẩn bị tốt hơn, thực tập để đối mặt trước với cái chết trong thời gian còn lại của cuộc đời, để có khả năng đương đầu với sự đau khổ khi khoảnh khắc mất mát thực sự đến.
Sau đây thêm một số ý kiến về việc suy niệm và cái chết và sự hấp hối:
1. Thực hành chết khi nằm trên giường trước khi ngủ: Vào cuối ngày - thời gian để thân và tâm được nghỉ ngơi – đây là một cơ hội tốt để suy niệm về sự không tránh khỏi của cái chết. Thực tập tiến trình chết như thể chúng ta đối mặt với nó ngay tại giây phút này. Tư thế thích hợp là nằm xuống và thư giãn toàn thân từ đầu đến chân, đặc biệt là mặt. Thở vào và thở ra thật tự nhiên. Hãy cảm nhận sự xúc chạm nhẹ nhàng của hơi thở khi đi ra, đi vào chạm vào cửa mũi. Bỏ qua mọi suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai.
Khi tâm trở nên yên tĩnh, hãy nghĩ chúng ta đến đang tiến gần đến với cái chết ra sao. Chúng ta không biết khi nào chúng ta sẽ chết. Tối hôm nay có thể là đêm cuối cùng của chúng ta. Ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến. Hãy tưởng tượng từng hơi thở của chúng ta sẽ tan biến ra sao khi cái chết đến. Tim sẽ ngừng đập. Thân sẽ không còn cử động được nữa, trở nên lạnh và cứng, chẳng khác gì một khúc gỗ vô dụng.
Hãy nghĩ đến của cải quý giá mà chúng ta đã kiếm được và cố để dành chúng sẽ không còn là của chúng ta nữa. Chúng sẽ thuộc về người khác. Chúng ta không thể làm gì với chúng. Những gì chúng ta thường cố giữ vì cho là quý giá sẽ rời bỏ chúng ta như những thứ của cải vô chủ.
Hơn nữa, chúng ta sẽ không còn có một cơ hội nào khác để nói chuyện với con cái của chúng ta hay những người mà chúng ta thương yêu. Mọi thứ mà chúng ta thường làm sẽ trở thành quá khứ. Chúng ta sẽ không còn có thể thăm viếng cha mẹ của chúng ta hoặc làm thêm bất cứ điều gì cho họ. Ngay cả thời gian để nói lời từ biệt cũng không có, hay thời gian để sửa chữa những gì mà chúng ta đã miễn cưỡng làm cho xong cũng không có. Mọi công việc rồi sẽ phải bỏ lại đằng sau, ngay cả những công việc chưa làm xong. Chúng ta sẽ không còn có thể xem xét thêm về chúng. Cho dù công việc đó quan trọng cách mấy đi nữa, nó cũng sẽ bị bỏ lại. Tương tự như vậy đối với những kiến thức và kinh nghiệm mà chúng ta đã tích lũy được – chúng sẽ cùng biến mất với chúng ta.
Mọi thứ như danh vọng, quyền lực và chỗ dựa sẽ rời khỏi chúng ta. Cho dẫu chúng ta có quyền lực đến mấy đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể đem chúng theo với chúng ta. Đừng mong chờ mọi người sẽ cầu nguyện cho chúng ta sau khi chết. Ngay cả tên của chúng ta cuối cùng rồi cũng bị lãng quên.
Khi chúng ta quán chiếu về việc này, hãy quan sát cảm xúc của chúng ta. Chúng ta có lo lắng, hối tiếc, hay dính mắc gì với bất cứ điều gì trong số ấy? Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận những mất mát này không? Nếu không, điều gì vẫn cứ làm cho ta xúc động? Quán chiếu như vậy sẽ giúp cho chúng ta hiểu rõ rằng có một vài thứ chúng ta nên làm nhưng chưa làm (hoặc làm chưa đủ), cũng như có những thứ mà chúng ta hết sức dính mắc vào đó, nó cũng buộc chúng ta phải làm những việc quan trọng nhưng chúng ta vẫn thường bỏ sót, và giúp chúng ta thực tập nghệ thuật buông bỏ.
2. Suy niệm về cái chết trong các trường hợp khác nhau
Trong thực tế, người ta có thể suy niệm về cái chết bất cứ lúc nào trong ngày. Khi di chuyển bằng xe hơi, thuyền hoặc máy bay, luôn luôn phải chuẩn bị. Nếu cái gì đó không thuận lợi xảy ra trong vài giây tiếp theo, chúng ta nên đối đầu với nó như thế nào? Những gì chúng ta sẽ nghĩ đến đầu tiên? Chúng ta có sẵn sàng để từ bỏ tất cả mọi thứ mà chúng ta cảm thấy gắn bó vào thời điểm đó không?
Khi chúng ta ra khỏi nhà, hãy nghĩ rằng đây có thể là chuyến đi cuối cùng và chúng ta có thể sẽ không còn quay về để gặp lại cha mẹ, vợ chồng, con cái của chúng ta. Có những gì còn sót lại chưa làm mà chúng ta có thể phải hối tiếc vì đã không hoàn tất chúng trước? Có những cuộc xung đột mà có thể chúng ta mong ước được hòa giải? Quán chiếu như vậy sẽ giúp cho chúng ta cố gắng đối xử với những người thân trong gia đình chúng ta tốt hơn và giải quyết ngay những gì cần phải giải quyết , không đợi đến ngày mai vì ngày mai có thể sẽ không bao giờ đến.
Đọc báo, đặc biệt là những bài tường thuật về những vụ tai nạn và thiên tai là những khoảnh khắc thích hợp để quán chiếu về sự vô thường của cuộc sống. Mọi thứ có thể xảy ra không báo trước, con người có thể chết bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Hãy cố gắng nghĩ rằng những việc như vậy cũng có khả năng xảy đến với chúng ta ra sao. Liệu chúng ta có đủ khả năng để đối mặt với nó? Chúng ta có chuẩn bị để sẵn sàng ra đi?
Dự đám tang cũng là khoảng thời gian để tự nhắc nhỡ chúng ta rằng cái chết nhất định sẽ xảy đến với chúng ta vì người vừa qua đời cũng đã từng đi đứng và di chuyển giống như chúng ta. Trong tương lai, chúng ta cũng sẽ nằm xuống giống như họ, chúng ta sẽ chẳng có thể mang theo điều gì ngoại trừ các việc làm thiện hoặc ác của chúng ta.
Vị thầy dạy Pháp tốt nhất cho chúng ta chính là cái thi thể đang nằm trong quan tài trước mặt . Kẻ ấy đang thức tỉnh chúng ta khỏi những mê đắm và buông lung trong cuộc sống. Kẻ nào tin rằng mình vẫn còn vài năm nữa mới chết sẽ phải suy nghĩ lại nếu họ dự đám ma của một đứa trẻ hay của một thiếu niên. Những ai mê mãi theo quyền lực của mình cũng nên hiểu rõ rằng cho dẫu họ có quyền cao chức trọng cỡ nào, cuối cùng thì họ cũng trở thành nhỏ bé hơn cái quan tài chứa đựng thi thể của họ.
Tương tự, khi thăm viếng người bệnh, chúng ta nên nhắc nhở mình rằng một ngày nào đó thân của chúng ta cũng lâm vào hoàn cảnh bệnh hoạn như vậy. Lại nữa, nếu người bệnh ở vào giai đoạn cuối, họ cũng giống như vị thầy dạy Pháp cho chúng ta. Mọi phản ứng của họ - lo lắng, đau đớn, tuyệt vọng – đều đang dạy cho chúng ta biết cách để tự chuẩn bị cho chúng ta để khi đến lượt , chúng ta có thể sẽ không bị đau khổ nhiều như họ. Nếu người bệnh dường như đang ở trong tình trạng an bình và vẫn duy trì được sự bình tĩnh mặc dù thân của họ cho thấy đang chịu sự đau đớn lại là tấm gương cho chúng ta, chúng ta nên tự chuẩn bị cho mình tinh thần tương tự như vậy để đón nhận cái chết, đặc biệt khi sức khỏe của chúng ta còn đang ở tình trạng tốt.
Giữ tâm của chúng ta bình thản trong thời gian bệnh tật cũng tương tự như giữ cho tâm của chúng ta vững vàng khi đối mặt với cái chết. Vì vậy, hãy xem thời gian chúng ta bị bệnh như mà một sự thực tập để tự chuẩn bị cho chúng ta lúc chết. Bệnh tật giống như một số bài học vỡ lòng trước khi chúng ta tiến lên trình độ khó nhất – nếu chúng ta không thể đối phó với bệnh tật, làm sao chúng ta có thể đối mặt với cái chết?
3. Nhắc nhở về cái chết
Chúng ta có thể áp dụng bất cứ những gì chúng ta tình cờ gặp trong đời sống hàng ngày và dùng chúng để nhắc nhở chúng ta về cái chết. Nó tùy thuộc vào hoàn cảnh và “sự sáng tạo” của chúng ta. Một số Thiền sư Tây Tạng thường đổ hết nước trong ly của mình và đặt úp nó xuống bên cạnh giường. Họ làm như vậy vì không chắc rằng mình có thể thức dậy vào ngày hôm sau và sử dụng cái ly nữa hay không. Việc làm này giống như một lời nhắc nhở các vị thầy này rằng cái chết có thể đến với họ bất kỳ lúc nào.
Về sau, một nhà văn người Thái biết được câu chuyện này và tự áp dụng nó cho mình : Mỗi tối trước khi đi ngủ, bà luôn luôn đoan chắc rằng tất cả bát, đĩa đã được rửa sạch sẽ. Nếu bà có bất thình lình chết trong khi ngủ, sẽ chẳng còn bát, đĩa dơ nào để lại để làm phiền người khác, bà nói.
Một người đàn ông 55 tuổi sử dụng các viên bi như công cụ nhắc nhở mình về cái chết . Mỗi viên bi tương đương với một tuần sống. Người đàn ông tính toán rằng nếu ông đạt được tuổi thọ trung bình, khoảng 75 năm tuổi, ông sẽ có khoảng 1.000 tuần lễ còn lại. Vì vậy, ông đã mua 1.000 viên bi và bỏ chúng vào trong một hộp nhựa. Mỗi tuần, ông lấy một viên bi ra khỏi hộp. Số lượng các viên bi giảm dần nhắc nhở ông rằng những ngày còn lại của ông đã được đánh số. Nó nhắc nhở ông về cái chết đang tiến dần đến cho phép ông chọn để làm điều quan trọng nhất, và không để cho mình bị cuốn đi bởi những sự lo toan vụn vặt.
Mỗi người có thể chọn các cách "nhắc nhở" khác nhau -từ cảnh rạng đông cho đến hoàng hôn, hoặc một đóa hoa, từ nụ, nở ra hoa và cuối cùng úa tàn, hoặc một chiếc lá nhú lên từ một cành cây và cuối cùng rơi xuống mặt đất. Chúng nhắc nhở chúng ta về tính tạm bợ của cuộc sống. Đức Phật đã từng đề nghị chúng ta nên xem cuộc sống giống như đầu bọt sóng, hoặc như một giọt sương, một tia chớp - tất cả đều tạm thời, và đó chính là sự tồn tại của chúng ta
4.Các hoạt động khác để chuẩn bị cho cái chết
Chúng ta có thể thử một bài tập thử buông bỏ những người thân yêu và của cải của chúng ta . Chọn bảy đối tượng - chúng họ có thể là một người, một con vật cưng, hoặc một vật gì đó chúng ta cho là quý giá đối với chúng ta - và tự hỏi nếu chúng ta bị buộc phải từ bỏ một thứ trong số đó, nó sẽ là gì. Tiếp tục như vậy với sáu đối tượng còn lại. Chúng ta cũng có thể tưởng tượng chính chúng ta đang ở trong một tình huống không may – như đang phải đối mặt với một đám cháy, một trận động đất, hoặc một tai nạn – khiến chúng ta mất từng món mà chúng ta yêu quý. Chúng ta sẽ chọn để giữ lại những gì Và từ bỏ những gì?
Những bài tập như vậy sẽ dạy cho cách để buông bỏ. Nó sẽ giúp chúng ta xem xét lại những dính mắc của chúng ta, để khám phá ra những gì chúng ta cho là quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta. Một số có thể thấy rằng họ yêu thích hoặc lo lắng về những con chó hơn là anh em chị em của mình. Số khác có thể sẵn sàng từ bỏ mọi thứ, trừ con búp bê yêu thích của họ. Và số khác nữa sẽ chọn máy vi tính của họ là vật cuối cùng để từ bỏ. Chúng ta có thể phát hiện ra một cái gì đó trong chính chúng ta mà chúng ta đã không nhận ra trước đây - và sau đó chúng ta có thể cố gắng để thích ứng với hoàn cảnh thay đổi. Tất cả điều này rất quan trọng cho việc chuẩn bị cho cái chết vì cuối cùng chúng ta sẽ phải mất tất cả mọi thứ bằng cách này hay cách khác. Trên thực tế, ngay cả khi chúng ta vẫn đang còn sống, chúng ta cũng bị buộc đành để mất những vật nào đó hoặc những người nào đó, và thường không có khả năng chọn lựa để giữ lại những thứ mà chúng ta muốn giữ cũng như để mất đi những thứ mà chúng ta muốn mất.
Tác giả - Phra Paisal Visalo
Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Pañña Dīpa Tuệ Đăng
Theo: Think of death, be happy


---  We cannot find happiness until we stop searching for it  ---
Designed & managed by KTK Minh Tuệ
Quay lại nội dung